Đây là chia sẻ của Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, tại Hội thảo Đổi mới sáng tạo Việt Nam. Sau phiên làm việc về Chính sách hỗ trợ ngành viễn thông hướng tới 5G, CEO Nguyễn Tử Quảng, Tập đoàn công nghệ Bkav tham gia thảo luận với chủ đề Thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua các quy định thân thiện và hệ sinh thái hỗ trợ. Nhiều khách mời bày tỏ sự khâm phục với những gì mà CEO Nguyễn Tử Quảng đang làm trên con đường thực hiện sứ mệnh tạo ra ngành công nghiệp sản xuất smartphone tại Việt Nam.
Một số câu hỏi của khách mời đặt ra cho CEO Nguyễn Tử Quảng:
Câu hỏi: Khi anh cạnh tranh với Apple, Samsung, anh có nỗi sợ hãi nào trong lòng không?
CEO Nguyễn Tử Quảng: Thực sự là chúng tôi không có chút sợ hãi nào cả. Tôi cũng đã nói với nhân viên của mình rằng ‘mình nghĩ mình là ai thì mình sẽ là như vậy'. Cho nên là, nếu ngay từ đầu mình cảm thấy run sợ thì mình sẽ không thể nào làm ra những thứ có thể cạnh tranh tốt với họ được. Tôi xin kể một ví dụ cụ thể. Cách đây hơn chục năm chúng tôi có làm những thiết bị đầu tiên là thiết bị phun nước trong nhà vệ sinh. Bây giờ khi mà các anh các chị đến một số nhà hàng lớn thì có thể họ đang dùng Bkav SmartHome của chúng tôi. Đấy là thiết bị đầu tiên. Khi đưa ra thị trường thì tôi gặp ngay phải cái vấn đề về thương hiệu. Các cửa hàng họ không thể bán nổi bởi vì là không cạnh tranh được với của Nhật Bản. Thậm chí nhiều cửa hàng phải nói đây là của Nhật Bản và thế là họ bán rất tốt bởi vì chúng tôi làm rất là tốt. Lúc ấy tôi mới ngộ ra là mình làm sản phẩm tốt rồi thì khi bán ra họ sẽ cộng với thương hiệu của đất nước, của doanh nghiệp làm ra sản phẩm đó, cụ thể ở đây là Nhật Bản. Mình làm bằng họ là mình thua rồi. Thế nên tôi đưa ra là mình phải làm tốt hơn họ cộng với thương hiệu quốc gia của mình rõ ràng là chưa tốt bằng thì mới mong là có thể cạnh tranh với họ. Đấy là vì sao tôi đưa ra chiến lược cạnh tranh với Apple, với cả Samsung. Với định hướng như vậy, tôi tin rằng người Việt Nam mình rất là có năng lực. Tôi không muốn nói về chiến tranh. Nhưng rõ ràng là phần nào nó cũng thể hiện khả năng, sự quyết tâm của người Việt Nam đã tạo ra kỳ tích như thế nào. Tôi có niềm tin như vậy. Và tôi nhìn vào lịch sử và tôi có đủ tự tin.
Câu hỏi: Tôi rất ấn tượng với phần trình bày của anh Quảng, phải nói là khâm phục. Hôm nay tôi được nghe anh Quảng giới thiệu về chiếc điện thoại Bphone. Tôi rất ấn tượng ở chỗ anh dám nghĩ dám làm, đặc biệt khi đặt trong bối cảnh thế giới công nghệ thông tin phát triển như vũ bão và chúng ta phải đi vào trong tâm bão. Rất là khó !
Tôi rất ấn tượng với anh ở cái bộ mặt cười, ý tôi là biểu đồ mặt cười chuỗi giá trị OEM, ở đáy, gia công có giá trị gia tăng thấp nhất và cái trên cùng là giá trị gia tăng cao nhất. Tôi thấy anh bán Bphone cỡ khoảng 7 triệu. Trong khi đó, phần thiết bị, linh kiện anh nói là nhập hoàn toàn của nước ngoài: Mỹ, Nhật với Hàn. Vậy anh cho biết giá trị linh kiện chiếm bao nhiêu trong cái giá 7 triệu?
Biểu đồ chuỗi giá trị OEM
CEO Nguyễn Tử Quảng: Vâng, như anh đã thấy biểu đồ mặt cười biểu thị giá trị gia tăng, trục tung là giá trị gia tăng. Thì các anh chị có thể thấy là phần lớn giá trị gia tăng nằm ở các khâu nghiên cứu, ý tưởng, thiết kế… còn phần linh kiện, phần gia công có giá trị gia tăng rất là thấp. Cho nên là chiến lược của các công ty làm về linh kiện, về nguyên vật liệu là họ sẽ cung cấp cho tất cả nhà sản xuất. Họ vẫn là lớn nhưng họ sẽ cung cấp cho tất cả các nhà sản xuất. Ở đây chúng ta nói về chiếc smartphone, thì giá trị gia tăng của chiếc smartphone nó nằm ở các khâu thiết kế, thị trường, marketting, bán hàng, hậu mãi, v.v.
Vậy thì anh cũng có thể thấy giống như Apple, Samsung hiện nay, họ cũng đang sử dụng linh kiện của tất các công ty trên thế giới. Ví dụ như tụ điện, điện trở thì nổi tiếng nhất là Nhật Bản. Có công ty Murata mà chúng tôi làm việc, họ có hàng trăm năm kinh nghiệm về những thứ đó và họ cung cấp cho cả thế giới, cung cấp cho Apple, cung cấp cho Samsung, cung cấp cho các công ty Trung Quốc và cung cấp cho Bkav. Vậy thì gia tăng trong trường hợp đó giống như câu chuyện làm phở. Quán phở mà chúng ta ưa thích hay họ bán rất chạy phụ thuộc vào bí quyết hoặc nhà nghề của chủ quán đó. Họ tích lũy nhiều năm hay gia truyền bí kíp để lại. Thế còn lại thì họ cũng mua phở, mua hành và các nguyên liệu khác giống như chúng ta mua về dùng. Nhưng rõ ràng họ có thể bán còn chúng ta thì chưa chắc. Và nó gia tăng ở chỗ đấy.
Câu hỏi: Liệu Bkav có làm được linh kiện không? Và nếu làm được thì bao giờ làm được? Điều kiện cần và đủ là gì?
CEO Nguyễn Tử Quảng: Tôi khẳng định là không nên làm. Bởi vì là có những công ty họ cung cấp đấy như Qualcomm cung cấp cho tất cả mọi hãng, trừ Apple. Chúng ta không cần phải làm việc đó vì Qualcomm làm rất là tốt rồi, làm cũng không tốt được bằng Qualcomm. Đối với smartphone, chúng ta sẽ làm gia tăng ở đó. Mà Qualcomm thì họ lại cung cấp cho tất cả. Chúng ta làm chắc chắn là không tốt bằng. Hay cái tụ điện, điện trở, khi mà ở Nhật Bản họ làm hàng trăm năm mà đôi khi lại rất rẻ, chỉ không phẩy không không mấy USD. Do vậy, chúng ta không nên cạnh tranh và cũng không nên làm. Chúng ta làm khó hơn họ. Nhưng đối với họ thì tốt, vì họ cung cấp cho cả thế giới.
Câu hỏi: Trong chiến lược của Bkav, mà tôi cho là tham vọng rất là ghê, đến năm 2023 chúng ta chiếm 34,7% thị phần smartphone, cái giá trị của nó tương đương 2 tỷ USD. Nếu đặt trong điều kiện chúng ta không chủ động được phần linh kiện mà hoàn toàn phải nhập khẩu như thế này thì liệu có quá tham vọng hay không? Và độ khả thi có hay không?
CEO Nguyễn Tử Quảng: Đây thực sự là một kế hoạch của chúng tôi. Như tôi đã phân tích trước đó, ở thị trường Trung Quốc, năm 2012 Samsung đang có thị phần số một và rất là cao. Nhưng đến năm 2018 thì Samsung chỉ còn 0,8%, chưa đến 1%. Những công ty nội địa nếu họ làm chủ công nghệ, sở hữu công nghệ, họ có thể làm ra những sản phẩm có thể cạnh tranh như tôi cũng đã trình bày trước. Và thực sự việc đó có thể lặp lại với nhà sản xuất khác.
Các anh chị biết là lĩnh vực này cạnh tranh rất khốc liệt. Công ty hôm trước còn đang rất là lớn, hôm sau đã có thể biến khỏi thị trường. Có ai nghĩ rằng Nokia giờ chúng ta không nhắc đến. Hay là Samsung, biết đâu được cũng có ngày như vậy. Thực tế chúng tôi ở trong ngành chúng tôi biết điều đó. Thế thì sau họ sẽ là ai. Okey, chúng ta đã nhìn thấy một số công ty Trung Quốc rồi. Và tôi tin Việt Nam sẽ có chỗ trong đó.
Câu hỏi: Tôi đã có cơ hội đi thăm công ty anh Quảng và rất là khâm phục những gì các anh đang làm để ra được những chiếc Bphone. Vậy thì anh có quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ, bảo hộ sở hữu trí tuệ hay không và suy rộng ra là các công ty công nghệ?
CEO Nguyễn Tử Quảng: Tôi xin đại diện cho một số công ty công nghệ và các bạn startup trả lời một câu hỏi rất là đúng. Như lúc nãy chị Thạch Lê Anh (Nhà sáng lập Vietnam Silicon Valley) có chia sẻ đôi khi mình có những cái sở hữu trí tuệ nhưng có những cái mình không đăng ký bởi vì mình đưa ra thì có thể bị sao chép. Chúng tôi cũng vậy, có những cái chúng tôi sẽ đưa ra, nộp đơn lên Cục Sở hữu Trí tuệ, cũng có những cái chúng tôi phải giữ lại. Bởi vì mình khác, những nước phát triển họ đã có điều kiện sẵn sàng rồi, họ làm rất là nhanh và họ có thị trường. Tức là cái sở hữu trí tuệ họ đưa ra là họ khai thác nó đầu tiên. Nhưng của mình, rõ ràng điều kiện của mình chưa thuận lợi được như họ, mình đưa ra có khi họ khai thác trước mình. Thì điều đấy chưa chắc đã là tốt. Cho nên là, chúng tôi hết sức cân nhắc, cái nào đưa ra và cái nào thì không. Ví dụ lúc nãy tôi có đưa ra công nghệ ăng-ten. Chúng tôi cũng hết sức cân nhắc công nghệ đó có nộp lên Hội sở hữu trí tuệ không và sau đó là không. Bởi vì đấy đang là bí quyết của mình. Rõ ràng là sản lượng của mình chưa thể lớn bằng của họ. Nếu mình đưa ra, họ có thể copy của mình thì rõ ràng mình không còn lợi thế nữa. Đối với các bạn start-up thì tôi nói thế này không có nghĩa là tôi khuyên các bạn không nộp lên, có những cái các bạn vẫn nên nộp sau đó còn các nhà đầu tư họ đánh giá. Nhưng là chúng tôi thì chúng tôi phải cân nhắc việc đó.
Thực ra ở xã hội ngày nay, thì chuyện về sở hữu trí tuệ lại đang thiên về việc các công ty cạnh tranh nhau bảo hộ các sản phẩm nhiều hơn, nó hơi khác của sở hữu trí tuệ nhiều năm trước đây, giống như thời của Edison… Bây giờ, thì đôi khi người ta hơi bao trùm, để cạnh tranh, ra tòa với nhau thôi. Thế còn việc để sản xuất thì chưa chắc đã đúng.
Như ở Trung Quốc các sản phẩm là họ cứ copy, tôi chưa có điều kiện để nói nhiều hơn. Nhưng copy thì không bao giờ vượt được cái người mình copy cả. Thế nên tốt nhất là mình phải sở hữu công nghệ lõi thì mình mới có thể sáng tạo.
Hội thảo Đổi mới sáng tạo Việt Nam do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức, diễn ra sáng ngày 14/11 tại Hà Nội. Sự kiện có sự tham dự của ông Cao Đức Phát, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng đại diện lãnh đạo đến từ Bộ Thông tin và truyền thông, Hiệp hội Internet Việt Nam, Vietnam Silicon Valley, Ngân hàng Thế giới, Tập đoàn Qualcomm, Tập đoàn FPT, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn công nghệ CMC và Tập đoàn công nghệ Bkav. |
Từ hồi về thành phố
quen ánh điện...
Đất...
Vượt qua...