CEO Nguyễn Tử Quảng từng chia sẻ: “Chúng tôi coi Bphone Fans là cộng đồng tinh hoa… Fans của Bphone thật sự là những người chung chí hướng với Bkav, muốn thúc đẩy Việt Nam trở nên hùng cường nhờ công nghệ”. Vì lẽ đó, Bkav muốn đến gần hơn, tiếp xúc và chia sẻ nhiều hơn với các Bfans.
Từ tháng 3/2021, Tập đoàn tổ chức các chương trình giao lưu giữa các lãnh đạo cấp cao của Bkav, với cộng đồng Bfans. Tại đây, mọi góp ý, thắc mắc từ các Bfans dành Bkav, xoay quanh chủ đề của buổi giao lưu đều được ghi nhận và giải đáp.
Chương trình giao lưu giữa Tổng giám đốc Lâm Hồng Quang và cộng đồng Bfans sáng 27/3 về chủ đề ‘Hệ điều hành BOS’:
BOS được định nghĩa là ‘mượt như iOS, mở như Android’. Tuy nhiên, bản chất của ‘mượt như iOS" là do iOS là hệ điều hành mã nguồn đóng, Apple kiểm soát mọi ngõ ngách của HĐH và kiểm soát gắt gao các app trên Apple store. Ngược lại, ‘mở như Android’ là bởi Android là HĐH mã nguồn mở, Google kiểm soát app trên Google Play Store không gắt gao như Apple. Dẫn đến, ứng dụng sinh nhiều rác, HĐH bị phân mảnh do phải tương thích với nhiều kiểu phần cứng khác nhau. Những điều này khiến iOS mượt nhưng không mở và Adroid mở nhưng không mượt. Điều này như hai mặt đối lập của một vấn đề thống nhất và chúng tồn tại một cách khách quan.
Vậy, BOS được thiết kế như thế nào để ‘mượt như iOS, mở như Android’? Trong quá trình tối ưu đó, đội ngũ kỹ sư Bkav có bị mắc kẹt ở framework của Android khiến máy không thể mượt được như ý không?
‘Mượt như iOS’ thì phần nào như bạn nói, Apple một mình một cõi, tự đề ra các tiêu chuẩn. Ví dụ, họ hạn chế chạy ngầm và tất cả nhà phát triển ứng dụng phải tuân theo. Tuy vậy, cũng phải nói tới việc Apple rất chịu khó để ý tới các tiểu tiết. Ở sản phẩm của họ, dễ dàng nhận ra nỗ lực hoàn thiện tới từng chi tiết của sản phẩm. Đặc biệt là giai đoạn Apple còn có Steve Jobs.
‘Mở như Android’ không hẳn là nói về mã nguồn mở. Mở ở đây là Android hướng tới một HĐH mở hơn về các chính sách (policy). Ví dụ, họ cố gắng để các ứng dụng có thể chạy ngầm tuỳ ý, để các nhà phát triển ứng dụng không bị hạn chế trong việc đem lại các trải nghiệm cho người dùng. Ngoài ra, ‘đầy đủ tiện ích’ cũng là một đặc điểm của cộng đồng phần mềm Android. Người dùng có nhiều lựa chọn về tính năng. Các nhà phát triển hỗ trợ nhiều lựa chọn tuỳ biến cho người dùng. Đây như là một văn hoá của cộng đồng Android. Nó cũng có mặt trái. Nhiều tuỳ biến quá, nhiều tính năng quá thì khó dễ dùng, khó tiện lợi với số đông.
BOS thấy rõ điểm mạnh của cả hai. Là người đi sau và chịu học hỏi, BOS muốn mình có cả 2 điểm mạnh này. Vừa quan tâm tới từng chi tiết nhỏ, đem lại trải nghiệm tốt từ từng ngóc ngách của HĐH; vừa cho người dùng tính mở như Android, kết hợp với các triết lý làm phần mềm để HĐH luôn có tính dễ dùng cao, song hành việc đẩy mạnh tính tiện dụng, nhiều tính năng. Đây là định hướng và nó được biến thành hiện thực nhờ một hệ thống lý luận, phương pháp làm việc mà khó có thể nói rõ trong câu trả lời này. Đó có thể là nhờ cái ‘tâm’ muốn tốt hết mức cho người dùng, là cách làm việc luôn muốn tìm ra bản chất của mọi thứ trước khi xử lý, là cách làm việc quyết liệt, kiên trì đeo bám, không từ bỏ...
Đúng như bạn nói, có những lúc do hạn chế của Android mà tính năng của BOS chưa mượt như mong muốn. Ví dụ, khi đang chơi game, xoay ngang màn hình, vuốt HOME để về Launcher, BOS xoay màn hình về dọc và hiện Launcher, thay vì trình diễn giao diện game về Launcher, rồi Launcher từ từ xoay dọc. Một phần là vì khi xoay ngang, framework của Android gốc làm quá nhiều việc, dẫn tới không đủ tài nguyên để thực hiện hiệu ứng trình diễn. Để thay đổi thì cần nguồn lực khá lớn, vừa sửa nhiều cơ chế mang tính cốt lõi trong nhân Android. Trong khi, hiệu ứng này trên iOS khá mượt.
Mình đã dùng qua các đời Bphone 2, Bphone 3 nhưng chưa dùng Bphone B86 và đang chờ Bphone 5. Tại sao khi update BOS mà máy này mắc lỗi này, máy kia bị lỗi khác, không như Google update bản vá lỗi là hết?
Việc lỗi chỉ bị trên một số máy, một số môi trường nhất định là bình thường đối với một sản phẩm phần mềm. Mình không nghĩ các sản phẩm của Google là ngoại lệ.
Bản thân các sản phẩm của Google cũng gặp rất nhiều lỗi, hầu hết là dạng chỉ bị trên một số môi trường nhất định trên máy khách hàng, ít hoặc hầu như không có máy bị. Do vậy, họ không phát hiện ra trong quá trình test nội bộ. Bạn có thể vào trang thu thập lỗi của họ xem để rõ hơn.
Thường thì những lỗi mà máy nào cũng bị sẽ được bộ phận kiểm thử của Bkav test ra, sửa lỗi trong nội bộ, trước khi ra khách hàng. Nếu lọt lỗi, đây cũng sẽ là những lỗi dễ sửa và bọn mình sẽ bổ sung quy trình để lần sau không lọt nữa.
Không ít các lỗi trên máy khách hàng là thuộc diện không test ra, không lặp được trong môi trường nội bộ của Bkav. Hầu hết vẫn được bọn mình xử lý hiệu quả qua các bản nâng cấp phần mềm.
Không ít lỗi tuy là của BOS nhưng lại không nằm trong phần code do Bkav làm chủ, không tự sửa được, phải yêu cầu và hỗ trợ đối tác sửa. Ví dụ như lỗi trong các thư viện liên quan tới phần cứng của đối tác phần cứng cung cấp.
Bkav có ý tưởng làm BOS có cử chỉ thông minh gần như không cần dùng đến phím cứng ở đâu? Máy khác không có được điều này.
Nguồn gốc các tính năng tiện lợi của BOS đều xuất phát từ việc đội ngũ luôn không ngừng suy nghĩ ‘còn có thể làm gì để tốt hơn cho người dùng’.
Trải nghiệm sử dụng một tay là trải nghiệm mà đội ngũ làm BOS đã quan tâm, phát triển, và nỗ lực hoàn thiện từ rất sớm. Cử chỉ điều hướng là một trong những giải pháp bọn mình hướng tới. Nó giúp người dùng thay vì phải với tay trên màn hình để bấm thì chỉ cần dùng ngón tay thực hiện các cử chỉ trên màn hình.
Cử chỉ điều hướng xuất hiện đầu tiên có lẽ là ở Chim Lạc, trình duyệt của BOS, từ đời Bphone 1. Sau đó, tiến hoá dần dần thành hệ thống điều hướng bằng cử chỉ rất tiện lợi như hiện tại các bạn đang dùng. Bọn mình vẫn đang cố gắng để cải tiến hệ thống này tốt hơn nữa, tiện lợi hơn nữa.
Ưu và nhược điểm của BOS và Android là gì?
Android, hay đầy đủ hơn là Android Open Source Project - AOSP, hệ điều hành mã nguồn mở. AOSP là một dự án mã nguồn mở có chất lượng tốt. Nhờ nó mà những hãng như Bkav mới có nền tảng để xây dựng những hệ điều hành của riêng mình. Tuy vậy, nó chưa đủ tốt. Bkav thấy trong đó có nhiều thứ có thể sửa đổi, bổ sung để đem lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng. Mình nghĩ rằng BOS đang làm khá tốt việc đó. Một phần không nhỏ cũng nhờ những góp ý rất ý nghĩa, thực tế của người dùng Bphone. Bọn mình vẫn đang nỗ lực không ngừng để đem lại cho người dùng những trải nghiệm tốt hơn nữa.
Mất bao lâu thời gian và bao nhiêu người làm ra phiên bản BOS mới nhất?
BOS 8.6 là sản phẩm được phát triển tiếp, kế thừa các đời BOS trước đó. Nên tính ra thì cũng khá lâu. Nhiều tính năng từ hồi những năm 2010-2012 vẫn còn trên bản BOS hiện tại. Còn nếu nói về các đợt cao điểm của anh em phần mềm khi ra mắt sản phẩm thì thường diễn ra trong vài tháng. Trước khi ra mắt và sau khi mở bán ít tháng.
Về số nhân sự tham gia dự án thì mình chưa có dịp thống kê chính xác nhưng cũng khá đông. Trong đó, có rất nhiều anh em dù trẻ nhưng trình độ chuyên môn rất cao. Tuy vậy, con số cụ thể chắc cũng không quá ấn tượng nếu so với con số bạn hay nghe từ các tập đoàn lớn. Ví dụ như gần đây, dự án YouTube có sự tham gia của 10.000 nhân viên Google.
Bkav có xem xét lại việc đơn giản hoá các thuật toán xử lý nhưng vẫn đảm bảo được các tính năng hiện tại của BOS trên các phiên bản tiếp theo không?
Việc đơn giản hoá các thuật toán đã làm đúng là một công việc mà bọn mình vẫn thường đưa ra. Không chỉ là chưa tốt thì phải làm cho tốt đâu. Mà là tốt rồi thì có thể tốt hơn nữa không. Đây là một công việc rất thú vị đối với đội ngũ làm BOS.
Các ứng dụng độc lập định kỳ cũng được ‘chăm sóc’ lại, để dễ duy trì hơn, để áp dụng các công nghệ mới hơn. Nhiều lúc, tính năng trên bề mặt không thay đổi gì cả, người dùng cũng khó nhận ra cụ thể. Mình mong rằng các cảm giác hình như có gì đó tốt hơn đó cộng gộp lại ở nhiều chỗ, sẽ đem lại trải nghiệm tốt, riêng của BOS cho người dùng.
Theo anh, điều gì khó nhất khi phát triển BOS có bản sắc riêng, khác biệt so với các HĐH tùy biến khác của Android gốc?
Vừa khó, lại vừa không. Bọn mình có xây dựng một hệ thống lý luận, triết lý riêng về làm phần mềm. Trong đó, bọn mình ghi lại những đúc rút, cái gì là tốt cho người dùng, khi nào, vì sao... Xây dựng hệ thống này không đơn giản, cần văn hoá doanh nghiệp phù hợp, cần ý trí cao của đội ngũ lãnh đạo. Nhưng khi có rồi, bản sắc riêng sẽ là hệ quả dễ dàng đạt được. Mỗi người một suy nghĩ, nên cứ làm theo suy nghĩ của mình là tự nhiên khác người khác rồi.
Anh nghĩ sao về việc học hỏi những tính năng ở các nền tảng UI khác (EMUI, MiUI...)? Mình thấy các nền tảng UI này tương tác khá tốt với user (kho hình nền, kho nhạc và sự tùy biến theo cách của người dùng...) mà hiện tại trên BOS còn khá hạn chế.
Trong tương lai, thế hệ Bphone tiếp theo liệu có tích hợp vân tay trong màn hình hay không?
Bọn mình gọi đây là học hỏi nhân loại. Nghĩa là song song với việc cố gắng sáng tạo ra những cái hoàn toàn riêng của mình, bọn mình cũng liên tục để ý khảo sát và phân tích các sản phẩm đối thủ khác. Khi thấy các tính năng hay của họ, bọn mình sẽ phân tích xem BOS có nên có hay không.
Bọn mình học hỏi, khác với bắt chước. Nghĩa là bọn mình cũng có hệ thống lý luận, triết lý riêng của bọn mình, giúp bọn mình phân tích và hiểu về bản chất, cái gì là tốt và tại sao. Do vậy, khi thấy một tính năng hay, theo kiến thức của bọn mình, bọn mình đánh giá nó tốt cho người dùng cụ thể như thế nào. Bọn mình sẽ chỉ ra được làm thế nào thì có thể tốt hơn nữa và đưa vào BOS. Đôi khi, không nghĩ ra được gì hay hơn, bọn mình cũng không ngại học hỏi. Bọn mình sẽ không bắt chước theo kiểu đưa một tính năng vào BOS chỉ vì đối thủ nổi tiếng có làm. Bọn mình cũng không hiểu tại sao đối thủ lại làm thế.
Vậy nên, nhiều cái cộng đồng cho rằng BOS nên có, có thể là đã được bọn mình phân tích rồi và cho rằng chúng chưa đủ hữu ích cho người dùng. Vẫn còn những thứ cần ưu tiên cao hơn, cần làm trước.
Vân tay trong màn hình hay mọi công nghệ khác cũng vậy. Nếu bọn mình cho rằng nó sẽ đem lại trải nghiệm tốt cho người dùng Bphone và phù hợp với sản phẩm đó, thì nó cũng sẽ được xuất hiện trên Bphone.
Khó khăn và thành công khi làm BOS? Vì sao phải sử dụng Android làm nền tảng mà không làm mới hoàn toàn?
Mình nghĩ đội ngũ làm BOS đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, lớn có, nhỏ có, nhưng hầu hết mình nghĩ đã qua rồi. Những khó khăn lớn nhất thường xuất hiện vào những năm đầu khi dự án mới khởi động, thời điểm bọn mình chưa có nhiều kinh nghiệm. Android Open Source Project là một bộ mã nguồn mở siêu khổng lồ. Để nắm bắt được nó không hề dễ. Dù chỉ là sửa một vài dòng code vào lõi của Android thôi, cũng cần có kiến thức rất rộng để quyết định, để chắc rằng nó sẽ ảnh hưởng thế nào tới toàn HĐH. Đã từ lâu, bọn mình làm chủ hoàn toàn Android. Khó khăn hiện tại hầu hết chuyển sang làm thế nào để người dùng BOS hài lòng hơn nữa. Điều này khó nhưng cũng rất dễ chịu.
Về thành công, với mình và đội ngũ, thành công lớn nhất là khi người dùng BOS hài lòng với nó, với 1 vài tính năng tiêu biểu của nó. Đọc comment của mọi người mà cứ tủm tỉm cười vì sướng (cười).
Về lý do dùng Android, phải thừa nhận rằng để một công ty như Bkav phát triển một HĐH hoàn chỉnh là rất khó. Mặc dù không phải một công ty nhỏ ở Việt Nam, nhưng nguồn lực của bọn mình vẫn chưa là gì nếu so với những ‘ông lớn’ trên thế giới. Bản thân Google cũng không tự làm ra Android, bên trong cũng có rất nhiều mã nguồn mở của các tác giả khác.
Mình nghĩ quan hệ giữa Android và BOS là quan hệ win-win. Nhờ Android, bọn mình mới có thể tạo ra BOS, nhưng nhờ BOS mà Android mới có thể đem lại những trải nghiệm tốt hơn cho người dùng, ít nhất là với người dùng Bphone.
-----------
Bài giới thiệu về Tổng giám đốc Lâm Hồng Quang từ bạn Thiên Nhiên, thành viên BFC:
“Miệt mài với những buổi họp thâu đêm từ 22h đến 5h sáng... Con gái 6 tháng chào đời gần như không biết mặt bố...” là lời giới thiệu của Thiên Nhiên về Tổng giám đốc phụ trách Phần mềm Mobile của Bkav: Lâm Hồng Quang.
‘Không ra bản chất, không tận gốc vấn đề’ là một trong những triết lý quan trọng nhất mà anh Quang thấm nhuần từ khi gia nhập Bkav. Theo anh, đó là nền tảng để Bkav có thể xây dựng định hướng, lên phương án, đưa ra quyết định đúng đắn. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến nguyên tắc 'Làm theo luật lệ' của công ty. Luật lệ mà từ các CEO cho đến nhân viên đều phải tuân thủ. Luật lệ tạo ra sự bình đẳng, khiến mọi người an tâm phát triển bản thân, sản phẩm trong môi trường công ty. Một nguyên tắc khác không thể không nói tới là 'Không quyết liệt, kết quả sẽ làng nhàng'. Slogan nhắc mỗi nhân viên, trong đó có anh, phải luôn cố gắng từng giây, từng phút. Làm không chỉ vì cái đã cam kết với Sếp, cái đã đăng ký, cái người khác sẽ nhìn thấy mà làm vì luôn muốn cái tốt nhất cho sản phẩm, cho người dùng. Kể cả khi đã đạt như đăng ký rồi, nhưng nếu bản thân thấy chưa đủ tốt thì tự mình phải cố gắng để làm cho tốt hơn.
Anh bảo: "Sếp khó tính lắm, kỹ tính kinh lên được! Sếp không bỏ qua một cơ hội nào để điều chỉnh hay đào tạo anh em. Nhưng đây là điều mà anh em luôn rất trân trọng. Ở Sếp, bọn anh học hỏi được nhiều điều. Ví dụ như mục đích làm phần mềm trước hết là phải tốt cho xã hội, cho đất nước hay như cách Sếp chọn làm đúng thay vì làm để có nhiều tiền hơn".
Với anh Lâm Hồng Quang, điều anh thích nhất ở Bkav đó là văn hóa bình đẳng, sống vì nhau, vì mục đích chung. Ở đây, anh được sống với chính giá trị mà bản thân mong muốn, được là chính mình.
11 năm gắn bó với công ty, từ khi còn là cậu sinh viên thực tập, anh chưa một lần có ý định rời đi hay phỏng vấn ở một môi trường khác, nơi lương có thể sẽ hậu hĩnh hơn. Anh gắn bó với Bkav bằng cả tâm - trí - thức.
Tự hào khi chính bản thân mình góp viên gạch cho cột mốc đáng nhớ của lịch sử công nghệ Việt Nam. Là người phụ trách phiên bản đầu tiên của BOS trên Bphone 1, sau 4 năm nghiên cứu và phát triển, anh và các cộng sự vỡ òa trong cảm xúc. Anh bảo đợt ấy, trong buổi ra mắt Bphone 1, trên sân khấu anh Quảng nói ‘thật không thể tin nổi’ với rất nhiều ý nghĩa. Mọi người tham gia dự án đều bồi hồi khi nghe thế. Và Sếp của anh nói câu đó cũng ngoài kịch bản, đó là cảm xúc rất chân thật. Tiếc là dân mạng đón nhận câu này không tích cực.
"Sau lưng người đàn ông thành công luôn có bóng dáng người phụ nữ", với anh, đúng là như vậy.
Để đạt được thành công như hôm nay, vợ anh đã rất khó khăn, vất vả, ‘chấp nhận’ một mình quán xuyến chuyện nhà, lo cho con cái. Anh bảo: “Anh thương chị vì anh mà chịu nhiều thiệt thòi”.
Nghe chuyện gia đình anh, tôi không khỏi bùi ngùi. Nếu đặt mình trong hoàn cảnh đó, tôi chưa chắc chịu đựng được như chị. Nhờ có chị, anh mới có được ngày hôm nay.
Đồng nghiệp tại Bkav chia sẻ: "Quang là người hiền, sống tình cảm, chăm giao lưu với Bfan. Chắc Bfan biết Quang nhiều nhất".
Bkav, Bphone Fans Club
Từ hồi về thành phố
quen ánh điện...
Đất...
Vượt qua...