Quá trình thiết kế Bphone: 2009 bị Qualcomm chê, 4 năm mạch không chạy cho đến Bphone 2017
11:09:00 | 19-08-2017

Tuần này, Bkav đã có một buổi chia sẻ thẳng thắn, cởi mở với đại diện của diễn đàn Tinhte.vn về Bphone 2017. Bkav xin giới thiệu bài viết của Mod Duy Luân về quá trình gian nan làm ra một chiếc Bphone.

(Tinhte.vn) Lúc đi nói chuyện với CEO Nguyễn Tử Quảng và các bạn làm ở Bkav, mình đã được kể cho nghe câu chuyện thiết kế của Bkav. Câu chuyện khá thú vị, từ một hãng bị Qualcomm "khinh rẻ" không chịu hợp tác cho đến nỗ lực để làm ra nguyên mẫu chạy được đầu tiên và thuyết phục hãng làm chip di động lớn nhất thế giới cùng giúp chế tạo ra Bphone, cũng như chia sẻ của Bkav về cách mà những thành phần trong Bphone được làm ra và lắp ráp tại Việt Nam.

2009 - 2012: Thất bại liên tục, không một bo mạch nào chạy được

Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2009, năm mà Bkav nhận thấy rằng smartphone sẽ là một thị trường tiềm năng trong tương lai là CEO Quảng muốn Bkav cũng phải có dấu chân trong lĩnh vực này. Tất nhiên, bạn có nhiều cách để làm ra một chiếc smartphone, ví dụ như đi mua các mẫu có sẵn rồi gắn logo lên, mua linh kiện về ráp theo mẫu có sẵn, hoặc tự làm hết một chiếc điện thoại từ đầu. Tất nhiên, như các bạn đã biết, Bkav chọn con đường khó nhất: làm mọi thứ từ đầu, cốt là để làm ra được một chiếc máy sát nhất với mong muốn của công ty về trải nghiệm, tính năng và thiết kế. Theo anh Quảng, đây cũng là dịp để anh thử sức với một ngành vừa mới vừa khó, và cho mọi người biết Việt Nam cũng làm được smartphone.

Để bắt đầu, Bkav mua hết những chiếc điện thoại xịn nhất trên thị trường về, mổ chúng ra để xem linh kiện bên trong có những gì, do ai cung cấp. Anh Quảng đặc biệt thích iPhone vì nó được đánh giá rất cao, theo lời anh là "ngon", và anh muốn chiếc điện thoại do Bkav làm ra cũng phải đạt chất lượng như vậy. Thế là anh chú trọng vào iPhone và lên danh sách những nhà cung cấp linh kiện được Apple chọn, đó cũng là lý do mà Bphone 1 và Bphone 2 sử dụng nhiều linh kiện có cùng nguồn gốc với iPhone.

Sau khi lên kế hoạch sơ lược, Bkav bắt đầu đi tìm hiểu xem cần phải mua linh kiện từ đâu hoặc tìm sự trợ giúp từ những nhà cung cấp mào. Bkav nhờ một đơn vị head hunter (săn đầu người) tuyển về những người giỏi và có kinh nghiệm trong lĩnh vực này để dự án có thể bắt đầu chạy. Thật ra trước đó Bkav cũng đã nghiên cứu phần cứng rồi nên họ muốn làm thử một bản mẫu xem thế nào.

Thời đó, Qualcomm đã có đại diện tại Việt Nam. Bkav cũng tiếp cận, nhưng khi được ngỏ lời thì Qualcomm Việt Nam từ chối giúp sức vì không tin rằng Bkav có thể tự mình làm ra một cái smartphone mà không sử dụng các mô hình sản xuất máy có sẵn. Thế là Bkav đi liên hệ với những đơn vị có làm chip xử lý cho di động khác như Intel, Freescale, MediaTek... Tất cả đều lắc đầu không chịu hợp tác với cùng lý do như Qualcomm, họ không tin và không tưởng tượng được rằng một công ty trước giờ chỉ làm phần mềm như Bkav lại có thể làm ra một sản phẩm phần cứng đủ lớn và tốt, chưa kể là sản xuất smartphone, một lĩnh vực không hề dễ dàng. Thời ấy cũng chưa nhiều công ty Việt Nam muốn tự làm điện thoại từ đầu đến cuối nên việc các đối tác từ chối là có thể hiểu được.

Chỉ duy nhất Freescale là gật đầu sau nhiều lần thuyết phục, và họ cung cấp cho Bkav một số con chip mẫu để bắt đầu thiết kế bo mạch. Freescale không phải là công ty chuyên làm chip cho smartphone, họ chủ yếu làm linh kiện cho những thiết bị giải trí và hệ thống nghe nhìn nên để đưa con chip của Freescale vào trong điện thoại rất khó khăn. Theo các kĩ sư Bkav, cái khó nhất là linh kiện Freescale không tích hợp sẵn chip baseband - bộ xử lý giúp vận hành tất cả những chức năng liên quan đến sóng di động. Bkav cũng không thể tự tìm mua chip baseband nào tương thích sẵn nên họ phải tự mày mò nghiên cứu.

Khi cảm thấy việc làm smartphone có vẻ khó quá, Bkav chuyển ý định sang làm tablet để né vụ baseband. Nhưng ngay cả như vậy Bkav cũng chưa thể làm cho bo mạch này chạy được. Trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2011, cứ tới dịp Tết là Bkav lại gửi thiết kế bo mạch vào TP. HCM hoặc gửi sang Trung Quốc để nhờ họ in mạch test. Trong vòng 3 năm ròng rã này, không một bo mạch nào chạy được cả.

Nhưng Bkav không bỏ cuộc, họ vẫn tiếp tục dự án này tuy chỉ ở quy mô nhỏ so với những sản phẩm khác mà công ty đang kinh doanh. Tới năm 2013, bo mạch đầu tiên chạy được đã khiến cả công ty rất vui mừng. Và họ mang sản phẩm này sang Qualcomm Việt Nam để tiếp tục nhờ hỗ trợ, bởi Bkav tin rằng khi thấy được nỗ lực và sự cố gắng của mình trong 4 năm qua thì Qualcomm sẽ nghĩ lại.

Và đúng thế, Qualcomm lần này đã gật đầu. Họ bắt đầu làm việc với Bkav để chuẩn bị cho sự ra đời của chiếc điện thoại Bphone đầu tiên.

2014 - 2015: Chiếc Bphone đầu tiên ra đời

Từ đầu năm 2014, Qualcomm và Bkav bắt đầu làm việc cùng nhau, đương nhiên Qualcomm sẽ cung cấp chip và những hỗ trợ kĩ thuật cần thiết để làm Bphone. Với kinh nghiệm của một hãng làm chip di động lâu đời và cũng là người đã làm ra nhiều thiết kế tham chiếu cho các công ty khác tham khảo, Qualcomm dễ dàng giúp Bkav trên con đường hiện thực hóa ước muốn của mình. Họ có thể làm cho máy chạy được, có thể làm cho mạng di động vận hành.

Giờ thì phần điện tử bên trong đã tạm ổn, Quảng bắt đầu nghĩ tới thiết kế. Anh nghiên cứu việc sử dụng thiết kế tham chiếu do Qualcomm cung cấp cho đối tác, tuy nhiên thiết kế của Bphone sẽ cần khác biệt hơn như vậy nên không thể sử dụng lại được. Việc sử dụng máy tham chiếu cũng trói buộc Bkav vào một danh sách nhà cung cấp gần như cố định, trong đó không phải nhà cung cấp nào cũng đạt được tiêu chuẩn cao. Thế nên thôi, Bkav quyết định tự làm hết, không dùng tham chiếu nữa.

Học hỏi từ iPhone, Bkav quyết định rằng chiếc điện thoại của họ sẽ phải có những yếu tố như sau:

  • Trau chuốt
  • Đơn giản
  • Dễ dùng
  • Khác biệt

Bkav tin rằng iPhone thành công vì những lý do như trên, và tất cả những sản phẩm nào được đánh giá là "ngon" trên thế giới cũng đều đi theo cùng một con đường. Trước đó, chính Bkav cũng đã kinh doanh các món đồ nhà thông minh dưới thương hiệu SmartHome nên họ cũng hiểu được là phần cứng tốt phải nên như thế nào.

Ngặt cái là ở Việt Nam không nhiều đối tác có khả năng làm được sản phẩm với mức độ mà Bkav mong muốn. Những thiết bị SmartHome mà Bkav đi nhờ các đối tác khắp Việt Nam gia công không được tốt, chất lượng không cao, không sắc sảo. Như lời anh thì mình đang cạnh tranh với đồ Nhật (thị trường smart home), nếu đã không có thương hiệu mà còn làm đồ dở nữa thì chẳng thể nào bán được. Thế nên sau một thời gian thử nghiệm, Bkav quyết định tự xây nhà máy sản xuất những thứ này luôn.

Những nhà máy này cũng được tận dụng để làm nơi sản xuất và lắp ráp smartphone, tất nhiên Bkav phải đầu tư mua thêm nhiều máy móc chuyên dụng, ví dụ như máy CNC, máy gắp linh kiện, hệ thống băng chuyền mới...


Bphone 1, khung nhôm của Bphone 2016 không được ra mắt (màn hình to hơn), và nguyên mẫu Bphone 2017​

Một khi đã yên tâm rằng mình có năng lực sản xuất ra thứ mình muốn, Bkav quay trở lại với việc chọn thiết kế và họ đã chọn ra được thiết kế của chiếc Bphone 1 như các bạn đã biết. Nhóm thiết kế được ưu tiên cao nhất, thiết kế phải được giữ như nguyên bản, các nhóm kĩ thuật và cơ khí khác phải tìm mọi cách làm được việc của mình mà không thay đổi thiết kế. Tất nhiên cũng có những dịp thiết kế phải thay đổi một chút nhưng chỉ một chút thôi, Bkav không cho phép thỏa hiệp về mặt kĩ thuật để rồi làm ra một cái điện thoại xấu. Và thế là Bphone 1 ra đời.

2016-2017: Bỏ qua một thế hệ, đợi ra sản phẩm tốt hơn mới bán

Năm 2016, sau khi Bphone 1 ra mắt, Bkav vẫn có ý định làm một chiếc Bphone đời 2016 với thiết kế tương tự như đời 1 chạy chip Snapdragon 821. Tuy nhiên, Bkav nhận thấy mình vẫn chưa làm đủ tốt nên sau nhiều cuộc họp, họ đã hoãn ra mắt chiếc điện thoại này, để dành sức và người cho một cái máy tốt hơn.

Cũng lại là vấn đề thiết kế, học hỏi từ cách tiếp nhận của khách hàng và người tiêu dùng nói chung với Bphone 1, Bkav nhận thấy rằng thiết kế của chiếc điện thoại này không tồi. Hãng chưa dám gọi là đẹp, chỉ dám gọi là "không tồi" theo lời CEO Quảng, nhưng ít nhất nó tạo được sự khác biệt so với những chiếc máy khác. Tuy nhiên, theo Bkav, khác biệt chưa chắc đã được tiếp nhận tốt, đặc biệt với người mua khi mà những người khác xung quanh họ đều sử dụng những cái điện thoại có thiết kế tương tự nhau (và tương tự iPhone).

Thế là ở lần thiết kế này, Bkav quyết định bỏ yếu tố "Khác biệt" ra khỏi danh sách các tính chất của Bphone, họ chấp nhận học hỏi từ những đối thủ khác và theo xu hướng của thị trường (cụ thể: iPhone). Chiếc Bphone mới vẫn sẽ phải đơn giản, vẫn phải trau chuốt từng chi tiết một, nhưng nó không cần phải quá khác nữa, nó cần phải thực tế. Đây cũng là cách mà OnePlus áp dụng cho thiết kế của chiếc OnePlus 5, họ muốn tạo ra một thứ quen thuộc thay vì bùng nổ về thiết kế.

Để tạo ra thiết kế này, Bkav phải tính toán từng milimet một nhằm đảm bảo máy ra đời như ý muốn và không bị những khó khăn về cơ khí hay kĩ thuật cản trở. Ví dụ, ban đầu công ty dự tính sử dụng loại keo 0,025mm để làm miến dán cho các bo mạch và linh kiện do một đối tác Hàn Quốc sản xuất tại Việt Nam cung cấp. Nhưng khi sản xuất thực tế, do lực ép của màn hình vào khung nhôm lớn hơn nên họ phải chuyển sang dùng keo 0,03mm mới chắc chắn, nhưng như vậy có thể làm đội máy lên cao nên Bkav phải giảm một số linh kiện khác xuống 0,005mm cho cân đối trở lại. Tương tự, vị trí đặt micro cũng phải được dịch chuyển từng milimet một cho đến khi đạt được chất lượng âm thanh tốt nhất, không bị vang. Chỉ lệch một chút cũng có thể khiến giọng của người nói bị biến dạng. Các con tụ hay trở trên mainboard cũng không nằm ngoài quy tắc lựa chọn sao cho mỏng nhất có thể.

Kể về khó khăn khi tìm đối tác sản xuất bo mạch 12 lớp mà Bphone muốn sử dụng, Bkav nói ban đầu phải nhờ Trung Quốc làm các bản mẫu. Nhưng việc gửi bản vẽ qua đó, đợi họ in rồi nhận lại quá lâu, chưa kể việc sản xuất và vận chuyển cũng khi đi vào sản xuất quy mô lớn cũng sẽ gặp trở ngại. Hơn nữa, Bkav cũng muốn nhờ những đối tác có năng lực cao nhất có thể ngay tại Việt Nam nhằm phục vụ cho ao ước "Made in Vietnam" vì theo quy định của các cơ quan chức năng, bạn phải đạt đủ chuẩn thì mới được gọi sản phẩm của mình là "Made in Vietnam". Một sản phẩm chỉ lắp ráp ở Việt Nam không đủ để mang danh hiệu này.

Sau khi tìm hiểu kĩ, Bkav chọn Meiko, một công ty Nhật Bản có nhà máy đặt ngay tại Hà Nội (Khu Công Nghiệp Thạch Thất). Meiko hiện đang làm mạch PCB cho hãng ống kính Tamron và nhiều khách hàng lớn khác. Có sẵn ngay tại quê nhà, Bkav và Meiko đã làm việc cùng nhau để tạo ra những bo mạch như ước muốn của hãng. Với những khâu mà Meiko không có sẵn máy móc hay dụng cụ (ví dụ: máy hút đầu kim, chuyên dùng hút linh kiện cỡ nhỏ và bắn lên mạch), Bkav sẵn sàng chi tiền đầu tư để Meiko mua máy về phục vụ cho Bphone.

Với những đoạn băng keo (tape) dùng để dán linh kiện, Bkav mua của các đối tác Hàn Quốc và Đức (hãng Tesa). Một số được sản xuất ngay tại Việt Nam, riêng keo của Tesa thì nhập từ Đức về. Những linh kiện khác cũng thế, chúng được Bkav mua từ những hãng nước ngoài có nhà máy sản xuất ngay tại Việt Nam (khu Bắc Ninh, TP. HCM, Hà Nội...) hoặc mua từ chính các đối tác Việt Nam luôn. Tổng cộng trên bo mạch của Bphone 2017 có 747 món linh kiện, 54% có xuất xứ từ hãng Nhật, 23% từ Mỹ, còn lại là Hàn Quốc, Đài Loan và các công ty Châu Âu.

Chỉ có 6 món linh kiện là Bkav mua lại từ các đối tác Trung Quốc, chiếm 0,9%. Chúng bao gồm bộ đóng gói của camera, bộ đóng gói cho cảm biến vân tay, pin, lưới thép chắn màn loa thoại. Cảm biến của camera trên Bphone 2017 là của Sony, hệ thống chống rung OIS do Omron cung cấp, chỉ phần đóng gói là do một hãng Hồng Kông đảm nhận (mà Hồng Kông thuộc Trung Quốc nên tạm xem đây là linh kiện xuất xứ Trung Quốc). Tương tự cho camera trước và bộ linh kiện cảm biến vân tay (riêng cái cảm biến là do FPC Thụy Sĩ cung cấp).

Riêng cục pin, Bkav mua từ hai đối tác là LG và Amperex (Trung Quốc). Amperex là hãng bị dính vụ scandal pin của Note 7, tuy nhiên theo Bkav, lỗi là do Samsung ép Amperex làm pin quá mỏng không đạt đủ chất lượng, còn Bkav mua viên pin không quá mỏng và đã được kiểm duyệt kĩ nên không sao.

Bkav chia sẻ thêm rằng bộ vỏ nhôm của Bphone 2017 do chính Bkav làm cũng như mua thêm từ các đối tác tại Bắc Ninh. Đối tác này từ Hàn Quốc, họ chịu trách nhiệm phun cát, đánh bóng cho khung nhôm trước khi chúng được chuyển tới nhà máy của Bkav và một bên thứ ba khác để lắp ráp thành chiếc điện thoại hoàn chỉnh. Bkav cho biết họ đang sản xuất được 2000 đến 10.000 chiếc Bphone 2 mỗi tháng, tùy vào nhu cầu của thị trường mà họ sẽ điều chỉnh sản lượng này cho phù hợp. Bkav có nhà máy lắp ráp ở Mỹ Đình, ngoài ra còn có nhà máy phay nhôm ở khu Mỹ Đình và Hoài Đức.

Anh Quảng cũng có chia sẻ về việc Bkav tự thiết kế ăng-ten. Ăng-ten tuy nghe đơn giản nhưng lại là một trong những thành phần khó thiết kế nhất trong smartphone hiện đại vì nếu không cẩn thận thì chúng sẽ bị xung đột với vỏ nhôm và không bắt được sóng. Nhiều hãng lớn cũng phải đi thuê bên thứ ba làm thiết kế ăng-ten chứ không dám tự làm, theo Bkav biết thì hiện chỉ có mỗi Apple là tự thiết kế ăng-ten cho điện thoại của mình mà thôi, và Bkav có lẽ là người thứ 2-3-4 gì đó trên thế giới. Ăng-ten của Bphone 2017 được dập khung nhựa ngay tại nhà máy của Bkav.

Một phần trong bộ ăng-ten của Bphone 2017​

Ngay cả bộ DAC gây tranh cãi mấy ngày qua cũng vậy. Các hãng khác thường làm cục DAC trong bộ adapter đổi từ cổng USB-C sang cổng 3,5mm và họ làm nó theo cấu hình riêng nên khi đổi adapter qua các máy khác cũng sử dụng USB-C thì chưa chắc chạy được. Còn Bphone đưa bộ DAC này vào trong máy, họ làm như vậy là nhờ Qualcomm chỉ dẫn cho một thiết kế tham chiếu giúp tăng tính tương thích của đầu adapter chuyển cổng. Nếu bạn nào quan tâm có thể tìm hiểu thêm về con DAC WCD9335 của Qualcomm nhé. Riêng về cổng USB-C, nó có hỗ trợ xuất cả âm thanh digital và analog do đây đã là cấu hình chuẩn của Hiệp hội USB rồi, không phải thứ mà Bkav tự sáng tạo ra. Họ chỉ làm khâu chuyển mạch để máy biết khi nào xuất digital và khi nào thì xuất analog, nói chung là không có gì đặc biệt.

Làm phần cứng là một con đường không hề dễ dàng, nhất là ở Việt Nam khi bạn không có nhiều đối tác để lựa chọn như khi bạn đặt đại bản doanh sản xuất tại Trung Quốc. Với những cái nào tự làm được thì Bkav tự xử luôn, còn những thứ khác họ đi thuê hoặc mua của đối tác sẽ hợp lý hơn vì những đối tác này đã có kinh nghiệm, có quy mô lớn, có khách hàng lớn, Bkav chẳng dại gì mà tự làm hết từ đầu đến cuối vì như vậy chỉ là phí sức và tiền bạc. Xã hội có sự phân công lao động, và Bkav hiểu rõ điều đó.

Câu chuyện thiết kế nghe rất hay và hấp dẫn, qua đó mình có thể thấy được ước mong vươn ra thế giới của anh Quảng nói riêng và Bkav nói chung. Mình hiểu được Bkav đang muốn gì, và họ đang làm gì để đạt được điều đó. Tất nhiên, câu chuyện có hay tới mức nào thì cũng không ảnh hưởng đến chuyện Bphone có thành công hay không. Hãy chờ máy bán ra, và chờ xem sức bán của máy. Như dân ảnh có câu "cầm ảnh nói chuyện", thì mình sẽ "cầm máy nói chuyện". Ước mơ đem Việt Nam ra thế giới sẽ chẳng là gì nếu bán cho người Việt Nam mà cũng không xong. Khi nào có máy, mình sẽ nói về nó nhiều hơn cho anh em đọc nhé. Còn về cách kinh doanh, định giá, mình không tin là Bkav đang làm đúng. Hãy để thời gian và thị trường trả lời.

Theo Tinhte.vn

Quang Huy Bùi
17/1/2023
Cả năm nhận nhuận ảnh từ Bphone Cuối năm lại...
Trần Đức Long
14/1/2023
Tết của tình cảm đã về Cảm ơn Bkav và bfc đã...
Cô-xchia Dũng
11/1/2023
Tết con Mèo đã đến thật rồi. Cám ơn món quà...
Lê Tuyên
07 tháng 09

Từ hồi về thành phố

quen ánh điện...

Nguyễn Vũ Quang Nguyên
27 tháng 07
Đã bao nhiêu năm, kể từ ngày ấy
Đất...
Lê Văn Thuận
01 tháng 07
Xứng danh "Hiệp sĩ" ngày nào,
Vượt qua...