Theo VnEconomy: Đánh giá điện thoại Bphone của Bkav "đẹp và cá tính hơn iPhone 6" như phát ngôn của Tổng giám đốc Bkav tại một hội nghị nội bộ của công ty này mới đây, tất nhiên cũng mới là một góc nhìn cá nhân.
Ông Vũ Thanh Thắng, Phó chủ tịch phụ trách mảng sản phẩm của Bkav
Thế nhưng, việc tung sản phẩm điện thoại để cạnh tranh ở phân khúc cao cấp, với các sản phẩm đình đám như Galaxy Note 4, iPhone 6 Plus… liệu có là tham vọng viển vông của Bkav?
Ông Vũ Thanh Thắng, Phó chủ tịch Bkav, người phụ trách mảng sản phẩm, trực tiếp phụ tránh việc thiết kế sản xuất điện thoại, nói với VnEconomy:
- Bkav từ đầu đã xác định là công ty công nghệ, mà đã là công ty công nghệ thì phải đối đầu với những thứ khó nhất, như thế mới có thể phát triển mạnh mẽ được.
Hiện Bkav đã tham gia vào những mảng khốc liệt nhất trong lĩnh vực công nghệ, như nhà thông minh, phần mềm bảo mật, chính phủ điện tử, và giờ là điện thoại di động.
Đã nghiên cứu kỹ
Kế hoạch làm điện thoại di động của các ông có từ khi nào?
Từ năm 2010, sau khi Bkav cơ bản hoàn thiện về quy trình sản xuất phần cứng, chúng tôi đã quyết định tham gia nghiên cứu, đầu tư và phát triển sản phẩm điện thoại di động.
Bkav cũng đã hiểu rõ các triết lý của thị trường điện thoại di động rồi.
Chúng tôi đã đầu tư hàng chục triệu USD để nghiên cứu, thiết kế, phát triển sản phẩm. Lẽ ra sản phẩm đã được ra mắt sớm hơn một năm trước, nhưng chúng tôi không muốn giới thiệu ra sản phẩm, mà vẫn còn lăn tăn về một số chi tiết nhỏ.
Sau 5 năm, Bkav có khoảng trên 200 kĩ sư phát triển phần cứng, phần mềm. Có hàng trăm các đối tác, nhà cung cấp cho Samsung, Apple về phụ trợ cũng cung cấp cho Bkav, đồng thời chúng tôi là đối tác thứ 5 ở châu Á ký với Qualcomm - nhà cung cấp chip cho smartphone lớn nhất hiện nay - về việc sử dụng các công nghệ mới nhất của hãng này.
Lĩnh vực điện thoại di động cạnh tranh vô cùng khốc liệt, có tập đoàn thống trị thị trường cả thế giới vài chục năm như Nokia vẫn phải rời bỏ thị trường, nhiều tập đoàn khác đã và đang gặp khó khăn và đứng trước nguy cơ bị thâu tóm hoặc bán mình, điều này thì các ông cũng biết...
Khi sản xuất các sản phẩm công nghệ, nghĩa là mình đang tham gia vào cuộc chơi mạo hiểm rồi. Không thể nói làm ra là tốt ngay được, nhưng cứ làm hết mình, làm tốt nhất.
Mình đi thì mới có đường.
Mảng điện thoại di động đúng là đang cạnh tranh khốc liệt nhất trên thị trường về sản phẩm, khốc liệt hơn sản xuất ôtô, hơn mảng phần mềm, bởi đây là thị trường cạnh tranh trực tiếp, có rất nhiều các đại gia lớn như Apple, Samsung… nhưng không phải khốc liệt nhất mà không có cơ hội trong đó.
Nơi nguy hiểm nhất là an toàn nhất, quan trọng là mình chọn chiến lược nào, chứ không phải là không còn cửa.
Nokia tham gia thị trường trên 30 năm nhưng vẫn thất bại, bởi vì triết lý và những theo đuổi của họ về mặt công nghệ đã có lúc không đúng hướng. Tới đây, ngay một số doanh nghiệp lớn khác cũng có thể có khả năng bị tụt hậu, vì họ phát triển sản phẩm không có mục tiêu, triết lý rõ ràng.
Bkav đã nghiên cứu rất kỹ về điện thoại di động, từ phần cứng, phần mềm, hệ điều hành và xu hướng trong tương lai, vì thế, chúng tôi mới quyết định và có khả năng tham gia vào mảng này.
Nghe nói, các ông sẽ tung sản phẩm cạnh tranh ở phân khúc smartphone cao cấp?
Đúng vậy! Smartphone của Bkav nằm ở phân khúc cao cấp và sẽ cạnh tranh với các sản phẩm cao cấp nhất hiện nay, nhưng chúng tôi sẽ bán với giá hợp lý hơn.
Thông tin chi tiết về giá bán và sản phẩm chúng tôi sẽ giới thiệu ở buổi ra mắt sản phẩm tới đây.
Chỉ làm sản phẩm cao cấp
Các công ty công nghệ Việt Nam khi đầu tư vào mảng điện thoại di động đều chọn phân khúc giá rẻ và tầm trung, để có cơ hội cạnh tranh cao hơn và độ rủi ro cũng ít hơn. Với Bkav, vì sao các ông lại nhảy hẳn vào phân khúc cao cấp?
Bkav làm gì cũng tập trung vào mảng cao cấp.
Điện thoại di động là đỉnh cao công nghệ, nên phần nhiều các tập đoàn công nghệ trên thế giới đều mơ ước làm điện thoại.
Vì là sản phẩm đỉnh cao, nên nếu anh muốn trở thành tập đoàn công nghệ đỉnh cao, thì phải làm những thứ đỉnh cao. Đó là tiền đề. Số lượng công ty sản xuất được điện thoại cao cấp không nhiều.
Quan trọng là Bkav có điều kiện và năng lực, nên quyết tâm làm...
Nhưng ngay cả nhiều tập đoàn công nghệ trên thế giới lớn hơn Bkav nhiều, khi tham gia vào sản xuất điện thoại cũng không định vị cao như Bkav?
Khi đưa ra một sản phẩm, chúng ta đã định vị ngay trong đầu khách hàng ấn tượng là gì.
Nếu anh định vị là thương hiệu cao cấp thì khách hàng sẽ ghi nhớ việc đấy. Còn nếu định vị là thương hiệu rẻ tiền ngay từ đầu thì sau này không thể làm lại được.
Nên triết lý của Bkav là luôn định vị cao thương hiệu, cho nên không làm những sản phẩm giá rẻ. Sau này có thể làm giá rẻ, nhưng ngay từ đầu nó phải là sản phẩm cao cấp.
Như hàng Trung Quốc định vị mình là giá rẻ thì cho dù khi đưa ra các sản phẩm cao cấp nhất, ngay cả ở các tập đoàn lớn về công nghệ, thì 99% người dùng vẫn coi điện thoại 5C - điện thoại rẻ nhất của Apple, cao cấp hơn các điện thoại cao cấp nhất của Trung Quốc.
Tất nhiên, cái gì mà cao cấp nhất thì chắc chắn là khó nhất. Bkav có truyền thống luôn luôn xông vào mảng khó nhất, "khoai" nhất và có sức cạnh tranh khốc liệt nhất để làm.
Phải đầu tư vào công nghệ camera, âm thanh chất lượng cực cao, hiển thị sắc nét, rồi nhiều công nghệ khác để đưa vào sản phẩm.
Giá của sản phẩm chưa quyết định cao cấp hay không mà sản phẩm, chất lượng sản phẩm mới cho biết là cao cấp. Với giá thì chúng tôi luôn luôn mong muốn có giá phù hợp nhất với người sử dụng Việt Nam.
Xác định Apple là đối thủ trực tiếp và lớn nhất
Ông có thể cho biết, điểm khác biệt của điện thoại Bphone của Bkav để cạnh tranh với các thương hiệu cao cấp hàng đầu hiện nay - những sản phẩm mà các ông coi là đối thủ của mình, là gì?
Sản phẩm điện thoại bây giờ khác nhau là ở phần mềm, ở hệ sinh thái, chứ không còn nằm ở phần cứng, nên không thể lấy lợi nhuận ở phần cứng như trước đây nữa.
Tất cả các công ty bây giờ đều đạt được trình độ thiết kế phần cứng rồi, phần còn lại của sản phẩm là phần mềm - cũng là phần hồn. Nên tôi nghĩ, ngay các công ty hàng đầu hiện nay, nếu còn phát triển như bây giờ thì vài năm nữa cũng "đi" theo Nokia.
Điểm mấu chốt của Bkav là hội tụ đủ hết từ phần mềm, thiết kế phần cứng, sản xuất phần cứng và cung cấp dịch vụ, chính vì thế khác biệt hoàn toàn so với các công ty công nghệ khác, thậm chí như cả Sony, HTC…
Bkav sẽ không bán sản phẩm phần cứng thuần túy, mà sẽ bán cả hệ sinh thái trong đó. Phần cứng điện thoại bây giờ chỉ là cái xác, còn lại tất cả những tinh túy của nó là phần mềm, mà phần mềm thì lại là lợi thế của chúng tôi.
Bkav có nhiều phần mềm như bảo mật, mảng về nhà thông minh, về doanh nghiệp, thương mại điện tử… Điện thoại sẽ là điểm trung tâm để cho tất cả hệ sinh thái khác giúp cho sản phẩm có sự cạnh tranh tốt hơn.
Điện thoại di động sau này còn là trung tâm của tất cả mọi thứ, có thể dùng điện thoại di động thay nhiều thiết bị khác. Ví dụ cần lưu trữ dữ liệu trên mạng, cần dịch vụ cung cấp, khi có vấn đề gì đó thì bấm vào một nút và có người đến hỗ trợ. Đó là yếu tố mà Bkav sẽ tập trung khi đầu tư vào mảng điện thoại.
Chúng tôi cũng xác định mục tiêu cạnh tranh với đối thủ trực tiếp và lớn nhất là Apple, là cạnh tranh ở yếu tố phần mềm - phần hồn của sản phẩm và hệ sinh thái.
Vậy các ông đặt mục tiêu lượng sản phẩm bán ra như thế nào, cụ thể trong năm nay?
Ban đầu chúng tôi chưa sản xuất lớn và sản phẩm đầu tay mới chỉ đáp ứng cho những người đam mê công nghệ.
Sau đó Bkav sẽ sản xuất số lượng lớn. Ra sản phẩm đầu tiên mất tới 4 - 5 năm, nhưng những phiên bản sau có thể chỉ mất 4 - 9 tháng là ra được một sản phẩm mới.
Tôi nghĩ, mọi người đang rất kỳ vọng vào sản phẩm Bphone nên số lượng bán ra trong năm nay có thể lên tới hàng trăm ngàn sản phẩm.
Ngoài ra, cùng với thị trường trong nước, Bkav sẽ xúc tiến cả thị trường Ấn Độ, Malaysia… và hy vọng năm tới sẽ bán được hàng triệu sản phẩm.
Theo VnEconomy
Từ hồi về thành phố
quen ánh điện...
Đất...
Vượt qua...